Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

“Cậu đã vất vả rồi"



“Cậu đã vất vả rồi"


Mỗi khi nghĩ đến một câu nói có thể xoa dịu người bên cạnh, hình như không có câu nào có thể diễn tả chính xác cảm xúc vừa cảm thông cho những gì họ đang trải qua, vừa muốn cổ vũ, vừa trân trọng và biết ơn người đó, một câu tình cảm mà nói ra không bị sến, ngượng miệng.

Như người Hàn có một câu rất hay là “수고했어요” (sugohaesseoyo), có thể tạm dịch là “vất vả rồi”.

Người ta thường nói câu này sau khi kết thúc công việc, với hàm ý cảm ơn bạn đã cống hiến. Nhưng không chỉ dừng lại ở những công việc hành chính, học tập, bạn có thể nói “sugohaesseoyo” với ai đó đang chán nản, buồn bã, đang chịu đựng quá nhiều áp lực. Nói với họ rằng, cậu đã và đang cố gắng rất nhiều rồi, cậu có thể khóc, có thể chia sẻ để không phải chịu đựng một mình, có thể nghỉ ngơi để lấy sức bước tiếp, bởi đã đi đến đây rồi, chẳng có lý do mình lại bỏ cuộc cả.

Trong một buổi fanmeeting, Taemin (SHINee) đã bật khóc khi một fan nói với cậu ấy “cậu đã vất vả rồi”. Ừ đó, đôi khi cái người ta cần không phải là những lời tung hô thành tích bề ngoài, mà chỉ cần một tiếng nói thấu hiểu, công nhận những khó khăn mà mình phải giấu đi thôi.

Bởi vì sống cũng là một công việc, cảm ơn cậu đã cố gắng, cảm ơn cậu vẫn đang tiếp tục công việc ấy dù không dễ dàng, cảm ơn những gì cậu đã mang đến thế giới này.

“Cậu đã vất vả rồi”

- Nguồn: Tủ sách chữa lành



Thường thường có người hỏi tôi, làm thế nào để có thể quên đi một mối tình?


Xin trả lời rằng, phương pháp vĩnh viễn chỉ có một: Thời gian và duyên mới.



Nếu như thời gian và duyên mới cũng không khiến bạn quên đi mối tình đó, vậy nguyên nhân chỉ có một, thời gian không đủ dài, và duyên mới chưa đủ ngọt.

- Trương Tiểu Nhàn

#skybooks


Có một ngày nào đó, bạn bỗng nhận ra mình đã già!

Đó là khi bạn không còn hứng thú với những thứ lòe loẹt, những cảnh sắc rực rỡ, những nơi náo nhiệt và ồn ào thanh âm.

Già, là khi bạn thức dậy lúc 4 giờ sáng, chỉ để nghe tiếng gà gáy ban mai và nằm đợi ánh bình minh lóe sáng sau rèm cửa…

Già, là tối tối pha một ấm trà vừa đủ đặc, bật đài nghe những bài hát xưa cũ, đọc những cuốn sách cũ, chiêm nghiệm về cuộc đời, nửa gần nửa xa.

Già, là khi bạn thích lang thang trên đường phố một mình, thích nhìn những bức tường loang lổ, những gốc cây rêu phong, những mái nhà cũ kỹ, thích những quán cổ, bàn ghế phủ bụi, không gian mốc thếch và mặt người trầm tư sau lớp sương thời gian.

Già, là khi bạn thích cảm giác được yên tĩnh một mình, chỉ một mình chìm trong những hoài niệm. Dạo này, thường nhắc đến những chuyện cũ. Có lẽ bởi thời gian đã gấp quá rồi!

Già, là khi bạn thấy mình ngày càng kiệm lời. Kiệm lời với chính bản thân, nhiều khi nghe tiếng nói của mình vang lên cũng giật mình.

Già, là khi bạn bắt đầu tìm kiếm một nơi thật sự để đến, để sống và cất giữ tuổi già. Không phải để an dưỡng mà là để tách khỏi những ồn ào, thị phi.

Già, là khi bạn thôi không bận tâm những yêu thương, ghét bỏ, để lòng mình tha thứ cho qua hết giận hờn, buông bỏ bớt những nhạt nhòa, nghi kị. Chỉ giữ lại cho mình những niềm tin và đích đến, sống lặng lẽ và nhẹ nhàng, tự do trong khoảng trời riêng của chính mình.

Già, là sống chỉ đủ cho mình, cho những người mình yêu, thế thôi…

Còn lại thì cứ như mây trời, lang bạt qua đời nhau, đã từng vui, đã từng buồn rồi mỗi người đôi ngả. Năm tháng đã qua ấy, tôi gọi tên là thanh xuân.

- Cre: Mộc Diệp Tử

#skybooks


Năm 1995, tròn hai mươi tuổi, trong tay lại có chút tiền, đã kiếm đủ tiền mua chiếc xe máy đầu đời (hồi đó là cúp 79, đắt ngang một gia tài bây giờ) – mình quyết định chạy xe máy từ Hà Nội về Nam Định ăn Tết ở nhà bạn của một người bạn! Hồi đó còn trẻ, còn không biết nghĩ, chỉ đơn giản là đi chơi. Năm ấy đầu 1996, không có pháo thì Tết còn gì vui, lớn rồi ở nhà có ai mừng tuổi, năm nào cũng loanh quanh, năm nay vừa lấy được bằng lái xe máy, đi loanh quanh Hà Nội phố xá bé tí…
Hồi ấy Tết chỉ có nghĩa là ăn chơi, rửa bát, rồi lại đi chơi, đi ăn, rồi lại về nằm ngủ cho no mắt, hay nằm đọc báo Tết. Những rặng cây ngoài cửa sổ, gió mùa đông bắc thổi ầm ầm thế kia, buồn nhão cả đôi chân. Thế nên phải đi!
Còn nhớ hồi đó cứ đi ra được khỏi nhà là thấy sướng!
Chạy xe trăm cây số về quê nhà bạn, ăn Tết nhà bạn, vui với bố mẹ bạn, đi chơi chúc Tết nhà người quen bạn bè của bạn, thấy cuộc đời sao tự do rộng rãi. Sống là phải thế này mới là tuổi trẻ!
Lúc đấy không có ai nói cho mình biết rằng, đó là những giây phút ăn Tết cuối cùng trong đời mình còn có mẹ! Cái Tết sau, nhà mình không hề có Tết vì mẹ ốm thập tử nhất sinh, không biết ra đi lúc nào! Có một buổi tối 28 Tết năm ấy, mẹ mình muốn ăn một đĩa rau khoai lang xào, chợ búa cuối năm không có rau lang.
Mình chạy xe máy lòng vòng hàng chục cây số suốt từ các làng, dọc các hàng rào, từ Nghĩa Đô ra Cổ Nhuế rồi lại quành về Vĩnh Phúc.
Lúc đã tuyệt vọng và đi về sau hai tiếng lang thang không tìm được, mình nhìn thấy trong nước mắt và ánh đèn đường đỏ mờ là một vạt rau khoai lang còi ngay ở bờ đê ở dốc bên kia đối diện Tam Đa. Soi đèn xe máy thấy rõ là rau lang, mình mừng rỡ chạy vào nhà chủ nói khó xin hái một nắm về nấu cho mẹ ăn.
Trước lúc qua đời, mẹ mình mất hết hoàn toàn vị giác. Sau này, lần cuối cùng mẹ mình khóc nấc lên khi mình bưng bát phở nhỏ bón cho mẹ. Bát phở mua từ hàng phở gia truyền mẹ mình thích bao nhiêu năm. Mẹ mình khóc và nói, sao nó không hề giống khẩu vị mà mẹ biết, có phải là mẹ đang chết không con?
Tết năm sau nữa, mình đeo trên tay băng tang màu đen, không dám đến nhà ai! Ông chồng mình khi đó còn là người yêu, chở mình đi chơi lang thang quanh ngoại thành. Tết đi chơi mà nghĩ đến những lúc còn mẹ, nước mắt mình chảy giàn giụa, lén lút ngồi sau lau vào lưng người yêu!
Giá như có ai đó nói với mình rằng, cái Tết năm mình đi xa chính là cái Tết cuối cùng mình ở bên mẹ! Mình kiêu hãnh vì 20 tuổi đã tự mua được xe máy, tự mua được nhà tập thể 40 mét vuông cho bố mẹ ở, đã vào Sài Gòn vài lần, đã có giải thưởng, đã đoạt giải Văn học tuổi 20, đã có tập truyện ngắn đầu tay, đã đi đó đây từ Mai Châu, Sông Đà, Nam Định, Thái Nguyên, Hải Phòng, Ninh Thuận, Bình Dương… trong khi bạn bè còn chưa kiếm ra tiền. Nhưng mình không bao giờ biết rằng, niềm kiêu hãnh của những chuyến đi đầy ắp của tuổi trẻ thực ra được đánh đổi bằng những cơ hội hạnh phúc hiếm hoi của cuộc đời.
Chúng ta không bao giờ biết khi nào thì hạnh phúc sẽ rời bỏ chúng ta. Cái Tết vi vu dặm đường xa, cái Tết trào nước mắt đi kiếm một ngọn rau lang, và cái Tết khóc lén lút sau lưng một người bây giờ là bố ba đứa con của mình!
Đó là lý do mình đã nhiều năm ở nước ngoài nhưng đã luôn kéo va li trở về ăn Tết Hà Nội. Dù mẹ mình đã qua đời gần hai mươi năm rồi. Nhưng mình chỉ sau đó mới hiểu được rằng, cần trân trọng mỗi giây phút bên gia đình! Nên mình trở về.
Mình biết, ích kỷ là gọi tên những thứ chỉ có ích cho bản thân, nhưng mang lại tiếc nuối cho người thân. Nên nếu được chọn lại, mình chọn gác lại những cung đường ích kỷ, và trở về nhà, để nhìn thấy mẹ những ngày Tết, dù chẳng làm gì, chỉ là để cảm nhận được ấm áp…
(ảnh: Hà Huy Cường)
 

  Bài viết này khá hay, mong các cậu có thể đọc tới cuối. Tôi là tiến sĩ, vợ tôi trung cấp. Những lời tôi nói ra thì cô ấy thường không hiểu...