Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Người Sài Gòn Chính Gốc

20140311-000835.jpg

Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học. Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau. Ở thì không lo vì đã có nhà người quen ở bên kia cầu chữ Y. Chỉ lo cái chuyện ăn uống giữa hai buổi thi.

Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán mà bụng vẫn trống không. Nhỏ lớn ở quê khi nào đi đâu xa thì cơm đùm cơm bới mang đi theo chứ có khi nào ăn cơm tiệm để mà biết kêu cơm thêm. Kêu thêm dĩa nữa thì không dám vì sợ không đủ tiền ăn cho ngày mai, ngày kia… Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ, người một trái, người hai trái. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Vậy là, chỉ một loáng nguyên cả nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ.
Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn rồi nhìn chằm chằm, thi thoảng lại liếc qua bà chủ quán đang đứng gần đó cười mím chi thì đâm lo. Không biết tiền mang theo có đủ để trả không.
Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, bỗng nhiên chủ quán bước lại. Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn chị không tính. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu.
Chỉ có nải chuối, cho thấy tính cách người Sài Gòn.
Cuộc sống không thẳng tắp. Bon chen lên Sài Gòn không phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền. Cũng trong những năm thập niên 1980, có lần, tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Mượn chiếc xe của ông chú vào buổi sáng, lúc ấy chú cho xe ở nhà để ngủ sau một đêm chạy mối chở hàng. Lần đầu tiên chạy xích lô chỉ có chạy xe không từ bên này sang bên kia cầu chữ Y đã muốn hụt hơi. Thế nhưng vẫn ráng vì trong túi không còn tiền. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ, ngang qua rạp Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), thấy một đôi nam nữ đi ra, tay ngoắt, miệng kêu: Xích lô!
Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại hỏi: Anh chị đi đâu?
– Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu?
Dân miền Đông mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá. Thôi đành chơi trò may rủi: Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho.
Tưởng không biết đường thì người ta không đi, ai dè cả hai thản nhiên leo lên. Người con trai nói: 15 đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy đi tui chỉ đường.
Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối, liệu sức không thể nào qua khỏi dốc cầu đành tính chước bỏ của chạy lấy người. Xuống giọng: Em mới chạy xe, đi xa không nổi. Anh chị thông cảm đi xe khác giùm.
Ai ngờ người con trai ngoái đầu lại: Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà!
Thế là, vừa được khách chở, lại vừa được lấy tiền. Không phải 15 đồng mà tới 20 đồng.
Chắc cũng chỉ có người Sài Gòn mới khoáng đạt như vậy!
Người Sài Gòn tốt bụng, chia sẻ không từ những chuyện cá biệt, người nơi khác vào Sài Gòn hỏi đường thật dễ chịu. Già trẻ lớn bé, gặp ai hỏi người ta cũng chỉ dẫn tận tình. Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm. Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn nghĩ cách viết hoặc bỏ tiền ra đặt làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Đôi khi, kèm theo một câu đùa, câu trách rất Sài Gòn ở cái bảng này khiến ai đọc cũng phì cười. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh mới đây: “Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường. Hỏi hoài mệt quá!”
Đi xe ôm, taxi, gặp đúng dân Sài Gòn thì mười người hết chín không lo bị chặt chém, vẽ vời. Đôi khi, kêu giá là vậy, nhưng khách không có tiền lẻ hoặc hết tiền người ta còn bớt, thậm chí cho thiếu mà không cần biết khách ở đâu, có trả hay không. Với người Sài Gòn, đó là chuyện nhỏ.
Ở Sài Gòn, cho tới bây giờ vẫn còn nhiều nhà để một bình nước suối trước nhà kèm thêm một cái ly, một cái bảng nước uống miễn phí. Và bình nước này không bao giờ cạn, như lòng tốt của người Sài Gòn.
Có người đã phát hiện, khi bạn chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó chạy theo nhắc bạn gạt cái chân chống hay nhét lại cái ví sâu vào túi quần thì đích thị đó là người Sài Gòn.


Tôi có những người bạn để đi chơi, để đi mua sắm, để đi ăn cùng nhau, để tán gẫu những câu chuyện phù phiếm, nhưng tôi có những nỗi buồn không biết kể cùng ai.
Tôi có những người bạn chơi với nhau rất lâu, biết về nhau rất rõ, nhưng tôi vẫn đi du lịch một mình khi chán, đọc sách một mình khi cô đơn và viết nhật ký để động viên chính mình khi thất vọng.
Tôi có những người bạn đi cùng tôi những năm tháng tuổi trẻ, nồng nhiệt, vô tư, tràn đầy sức sống, sục sôi những nhiệt huyết, lấp lánh những ước mơ, nhưng trong danh bạ rất dài, có những số điện thoại mãi mãi chỉ là những dãy số im lìm.
Tôi có những người bạn đã từng là đồng nghiệp thân thiết, từng kinh qua mọi thử thách - sống chết vì “deadline”, chẳng nề hà chia nhau mẩu bánh mì cỏn con chống đói, nhưng chỉ cần thành công - ngay lập tức, tất cả chỉ còn là kỷ niệm.
Tôi có một người để yêu, những người bạn để thương, những mối quan hệ để làm việc, nhưng tôi - vẫn - chỉ - là - người - cô - đơn - với - hạnh - phúc - một mình!
Và, có khi nào bạn nhận ra rằng, bạn cũng đang thế?
Chúng ta rồi sẽ đến một ngày phải hiểu, thay vì kết nối những mối quan hệ hời hợt, nên trân trọng những mối quan hệ lâu năm. Trưởng thành là ít than vãn, trưởng thành là chọn đối đầu, trưởng thành là biết lắng nghe, trưởng thành là sống lặng lẽ. Trưởng thành, là sống chỉ đủ cho mình, cho những người mình yêu, thế thôi… Còn lại thì cứ như mây trời, lang bạt qua đời nhau, đã từng vui, đã từng buồn rồi mỗi người đôi ngả.
Năm tháng đã qua ấy, gọi tên là thanh xuân.


* Có người bảo, tình bạn giống như chén trà. Tất cả những gì xấu xí, vẩn đục nhất đều lắng xuống phía dưới. Chỉ khi người ta uống gần cạn, mới phát hiện ra. Nhưng người dưng thì sẽ hất đổ đi, như cái duyên tình bạn chỉ là sự hời hợt qua đường thôi. Còn người quan tâm sẽ tiếp tục nhấp môi cái vị đắng của chén trà gần cạn ấy. Đó là người bạn thật sự.
Hôm nay, pha một tách trà. Vẫn là cái thói quen không bỏ trà vào ấm, bốc một vốc trà bỏ vào ly, chế thêm ít nước sôi và đổ đi cái nước đầu đấy, đến nước thứ hai, trà xanh mượt và tỏa hương thơm, những cánh trà vụn nở bung xòe như bông hoa hướng dương bừng sáng dưới ánh mặt trời. Chọn đĩa nhạc Trịnh, trà ngon thì phải có nhạc hay, như một người bạn tri âm, không cần nói mà vẫn hiểu nhiều, vậy thôi. 
Lúc tách trà đạt đến vị ngon nhất, điện thoại đổ chuông, và khi trở lại, trên bàn, tách trà đã nguội lạnh. Trà nguội như lòng nguội. Người đi trà lạnh, hết tình trà tan. 
Chợt nghĩ, cuộc đời có nhiều cơ hội, người ta gặp gỡ nhau đúng lúc thích hợp thì trà ngon, bạn hiền. Còn nếu đánh mất rồi thì trà dù ngon, nhưng đã nguội, cũng chỉ là tách trà đổ đi.Huống hồ chi, dưới đáy nó, là cả một đống những vụn trà, xấu xí đã lắng lại, khi đã nguội lại càng nổi thêm cái vị đắng chát… *

  Bài viết này khá hay, mong các cậu có thể đọc tới cuối. Tôi là tiến sĩ, vợ tôi trung cấp. Những lời tôi nói ra thì cô ấy thường không hiểu...