Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016


Cấp ba, ngồi viết bài nghị luận về Tấm Cám, nghĩ trong đầu thiệt, đách thích con Tấm miếng nào.
Theo thời thế hiện tại, Tấm như kiểu em gái biết mình đẹp, hỡ chút là làm mình làm mẫy để đại gia dại du hiện ra giúp, lúc cho cái này lúc tặng cái kia. Trong truyện hồi đó thích con Cám hơn, yêu hận rõ ràng, thích là quất, phấn đấu để có được cái mình cần.
Cái kết của Tấm Cám, có nhiều tranh cãi, lúc đầu là con Tấm sau khi làm hoàng hậu thì dụ con Cám tấm nước sôi xong lấy xác làm mắm gởi về cho mẹ ghẻ mình ăn, để bà ta biết rồi lên cơn sợ mà chết. Cái kết này sau đó bị kêu là mất nhân văn rồi cắt bỏ, thay trong sách là cảnh hai mẹ con Cám xấu hổ nên bỏ đi biệt xứ rồi sét đánh chết.
Nói chung là muốn giữ hình ảnh tốt đẹp cho con Tấm, nhưng thực ra, con Tấm có dã tâm và manh nha cái ác bỏ mẹ ra.
Cám tham lam, không bàn cãi nhưng cái tham đó từ đầu đến cuối vẫn là cái tham của kẻ ngu, khờ dại, không toan tính kiểu trẻ con. Lúc là ganh nhau cái yếm đỏ nên trút giỏ tép tôm, là canh me méc mẹ giết con cá bống, sau này vào cung rồi thì cũng chỉ đốt cây xoan, giết chim vàng anh. Ngay cả vụ án tày đình nhất là cưa cây giết Tấm cũng là do dì ghẻ làm.
Cái ác, cái tham đó đáng trách mà thấy cũng đáng thương. Ai mà không tham? Chỉ là do không được hướng dẫn nên cái tham biến thành cái dại, dẫn vào họa sát thân.
Hiền như Tấm? Khoan đã, nghe mấy câu nói của Tấm sau mấy lần luân hồi sẽ sợ.
Giặt áo chồng tao
Thì giặt cho sạch
Giặt mà không sạch.
Tao rạch mặt cho.
Kẽo cà kẽo kẹt.
Dám tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra.
Hiền gì cái loại đòi rạch mặt, khoét mắt người ta với lời lẽ cây độc như vậy.
Dã tâm Tấm có, chẳng qua là khi còn là thứ dân, nếu giết người sẽ bị đền tội, lúc được trao quyền lực thành hoàng hậu rồi, Tấm hiểu dù giết một người cũng chẳng bị gì, nên cứ thế mà thẳng tay.
Nhiều người cho rằng đó là sự trả thù, thay đổi sau khi Tấm bị hại, sự vùng lên của giai cấp bị áp bức. Điều đó có thật không?
Con người ta sinh ra, mang cả trong mình hai hạt mầm nhân cách, thiện và ác. Trải qua quá trình tác động của tự nhiên, môi trường sống, hệ tư tưởng giáo dục, gia đình… thì hai mầm nhân cách sẽ có sự triệt tiêu không hoàn toàn, đào thải, hoặc được pha lẫn theo phần trăm nhất định. Sự đấu tranh giữa thiện và ác lúc nào cũng luôn tồn tại trong mỗi con người. Một người cả đời lương thiện cũng sẽ có lúc ác tâm lướt qua đầu.
Thiện và ác đấu tranh để tồn tại. Người ta có thể ban đầu là thiện, nhưng cũng chẳng phải cả đời sẽ thiện.
Còn Cám, trước ngu, sau cũng ngu, nó tưởng chị Tấm nó vẫn còn người chị hiền lành, nên nghe theo lời mới vong thân. Âu cũng là ngu như Cám.
Người ta bảo dì ghẻ ác, lại thấy dì ghẻ là đại diện cho hình ảnh của người mẹ trong bất kỳ xã hội nào, với lòng yêu con mù quáng.
Là mẹ ai chẳng yêu con, bất chấp con mình đúng sai, luôn tìm đủ mọi cách để mang đến điều tốt nhất cho con mình. Giả dụ, Cám không tìm cách lấy hết tép của Tấm, thể nào dì ghẻ cũng tìm lý do đưa cái yếm cho Cám, hay chỉ đơn giản đưa cho Tấm một cái yếm cũ, còn Cám của mình là một cái yếm mới.
Những bà mẹ Việt Nam, thường luôn bênh vực con mình khi xảy ra việc. Con đi đánh nhau đến toạc đầu đứa bạn, mẹ bạn qua mắng vốn thì vẫn phải bênh vực con mình, “ai biểu con chị chọc con tui, con chị yếu nên bị con tui đánh”, đến khi người ta đi rồi mới bắt đầu cho con ăn đòn, dạy dỗ.
Mẹ là vậy, trước bao cơn sóng gió luôn ôm chặt con vào lòng để rồi sau đó bắt đầu dạy nó sau.
Thế nên dì ghẻ không ưa Tấm, tìm cách hại Tấm để giúp Cám là điều hiển nhiên, chẳng cần lên án hay bàn cãi, và cái tình yêu đó đến phút cuối cùng vẫn trường tồn, vĩnh viễn.
Người ta bảo Bụt hiền, nhân từ, chưa chắc.
Bụt chỉ giúp cho người ta cái tính ỷ lại, hỡ một chút thì ỷ ôi, đòi hỏi, vòi vĩnh thứ mình cần. Bụt cũng đâu phải đi giúp người không không, cần phải có điều kiện. Điều kiện cơ bản ở đây là “đẹp” và “biết khóc”.
Thử con Cám ngồi khóc đến mù chắc Bụt cũng không hiện ra. Hay như lần Tấm bị dì ghẻ chặt cây,Bụt đâu mà không hiện ra dùng phép thần thông giúp đỡ. Có chăng là lúc đó Tấm bất ngờ, không kịp ngồi khóc nên ông Bụt nhất quyết ngó lơ.
Nhìn đi nhìn lại, chỉ còn con mẹ gà mái trong truyện là thấy có vẻ ổn.
Cục ta cục tác.
Cho ta nắm thóc,
Ta bới xương cho.
Gà mái thực tế, đơn giản là tôi sẽ làm việc khi được trả công xứng đáng. Tiếc là người ta không viết tiếp ngoại truyện cho bà gà mái mẹ này.
Mà có nói gì nói, con nít sẽ vẫn được dạy là Tấm hiền, Cám ác, Bụt nhân từ, vua thủy chung...
Chỉ là lớn cái đầu, ngồi ngẫm lại chuyện ngày xưa thấy đúng là có nhiều cái để nói, để bàn.
Chỉ thắc mắc, phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" đưa chi tiết trong ảnh vô cuối phim làm chi?

Nguyễn Ngọc Thanh

  Bài viết này khá hay, mong các cậu có thể đọc tới cuối. Tôi là tiến sĩ, vợ tôi trung cấp. Những lời tôi nói ra thì cô ấy thường không hiểu...